Sớm có chính sách cụ thể chống đầu cơ bất động sản

Đa số ý kiến của bạn đọc ủng hộ chủ trương bổ sung một số loại thuế liên quan đến thị trường bất động sản, đồng thời mong sớm có chính sách cụ thể để ổn định thị trường nhà ở.

Nhiều bạn đọc rất quan tâm đến Quyết định 2161 của Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đặc biệt là vấn đề bổ sung một số loại thuế liên quan đến thị trường bất động sản như thuế tài sản nhà ở nhằm ổn định thị trường, hạn chế đầu cơ, khai thác có hiệu quả bất động sản nhà ở…

Quyết định 2161 ra đời trong bối cảnh khoảng 5 năm trở lại đây thị trường bất động sản xảy ra nhiều đợt sốt đất, thậm chí có thời gian cơn sốt đất lan rộng ra nhiều địa phương. Các chuyên gia đánh giá rằng, hiện tượng sốt đất này gây ra nhiều hệ quả tiêu cực, làm mất cơ hội tạo lập nhà ở của đông đảo người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp ở đô thị… Đáng lưu ý, có hiện tượng một số nhà đầu tư cấu kết với cò đất thổi giá, đầu cơ để “dụ” các nhà đầu tư tham gia vào thị trường. Trong vòng xoáy này, không ít nhà đầu tư cá nhân sập bẫy bị thua lỗ nặng, nợ nần, trắng tay…

Sớm có chính sách cụ thể chống đầu cơ bất động sản  - ảnh 1
Nhiều đề xuất đánh thuế thật cao đối với nhà đất bỏ hoang để hạn chế đầu cơ bất động sản

ĐÌNH SƠN

Làm mạnh, làm ngay!

Đa số ý kiến của bạn đọc (BĐ) ủng hộ chủ trương bổ sung một số loại thuế liên quan đến thị trường bất động sản, đồng thời mong sớm có chính sách cụ thể để ổn định thị trường nhà ở. Đặc biệt, đối với đất nền chưa đưa vào sử dụng, nếu mua với mục đích đầu cơ, phải đánh thuế thật cao. BĐ Huu Thanh bày tỏ: “Ủng hộ chính sách làm sạch thị trường bất động sản. Để bất động sản bị tích trữ, đầu cơ càng nhiều thì người dân có nhu cầu thực sự về nhà ở sẽ rất khó khăn do giá nhà đất quá cao…, ảnh hưởng đến cuộc sống, an sinh và tính nhân văn của xã hội”.

“Cơ quan chức năng nên đưa ra những giải pháp quyết liệt nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ bất động sản. Với tình trạng như hiện nay thì trong những năm tới sẽ có nhiều người không thể có khả năng sở hữu được nhà bởi giá bất động sản bị một bộ phận nhà đầu tư thổi giá lên quá cao so với thu nhập của đa số người có nhu cầu”, BĐ N.Q.Thanh nêu ý kiến. Tương tự, theo BĐ Lê Vân, những nội dung trong Quyết định 2161 cần phải được xúc tiến nhanh. Bên cạnh đó, nên nghiên cứu chi tiết để tránh hiện tượng tìm khe hở của luật và lách luật… “Mua chuyển nhượng đất nên có hợp đồng ghi rõ ràng người thụ hưởng nhà đất được mua là ai, mua để làm gì: ở, cho thuê, hay mục đích gì khác…; nhà đất mua để ở thì sẽ ở trong bao lâu, tránh trường hợp đầu cơ mua đi bán lại. Điều này nên tham khảo các nước phát triển, vì họ đi trước và có nhiều kinh nghiệm trong vấn đề này”, BĐ Lê Vân đề xuất.

Kế sách từ bạn đọc

Bên cạnh những ý kiến ủng hộ với mong muốn lành mạnh hóa thị trường bất động sản, hạn chế đầu cơ, sử dụng hợp lý quỹ đất… BĐ cũng đưa nhiều giải pháp để tránh đánh thuế nhầm đối tượng. Cụ thể, đánh thuế bất động sản như thế nào có lợi cho nhà nước, có lợi cho dân cần phải cân nhắc kỹ vì không khéo lại đánh vào người nghèo, người có nhu cầu sử dụng, trong khi người đầu cơ vẫn ung dung hưởng lợi từ chính sách. “Ví như, cần giám sát và ngăn chặn hiện tượng xin làm dự án nhà ở xã hội để được thu hồi đất nông nghiệp của dân giá “bèo” nhưng sau đó bán nhà chung cư giá trên trời…”, BĐ Trung nêu. BĐ Võ thì đề xuất: “Chỉ nên đánh thuế quyền sử dụng đất hoặc căn nhà thứ 2 trở đi. Áp dụng thuế lũy tiến với mục đích hạn chế đầu cơ đất. Cơ quan chức năng phải làm quyết liệt, không để “con buôn” đất có cơ hội thao túng, ghìm giá, làm mất cơ hội tiếp cận nhà ở của người nghèo…”.

Nếu đánh thuế sở hữu BĐS để không và cấm giao dịch trong thời gian 10 – 15 năm sau khi mua thì có thể hạn chế được phần nào đầu cơ bất động sản.

Bui Xuan Lam

Cần áp dụng ngay một số sắc thuế phù hợp để ai cũng có nhà ở mà không phải tốn quá nhiều tiền.

Dang Minh Tri

Đánh vào “tử huyệt” nhà đầu cơ, để dòng tiền đổ vào sản xuất lợi ích cho đất nước biết bao nhiêu… Các nhà quản lý cần lắng nghe thêm ý kiến đóng góp từ chính người có nhu cầu nhà ở…

N.T.Minh

“Để có thể đánh thuế để chống đầu cơ bất động sản, cần phân tích được vì sao có hiện tượng giá nhà “bong bóng”. Theo đó, người mua, người bán có khai giá thật để chịu thuế không? Thuế có làm giá nhà tăng thêm nữa hay không? Giải pháp cho vấn đề này cụ thể ra sao? Riêng vấn nạn cò đầu cơ găm giá, thổi giá thì cần có chế tài khác và nên dùng chính cơ chế thị trường để tác động. Các biện pháp hành chính sẽ không giúp ích gì mà có khi còn khiến những người lao động chân chính khó lòng mơ tới “tổ chim câu” để an cư lạc nghiệp”, BĐ Lê Minh Hùng ý kiến.

Trả lời